Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Câu hỏi và Trả lời: Khai thuế GTGT

Tổng hợp những câu hỏi và câu trả lời xoay quanh vấn đề khai thuế GTGT

Câu 1: Xin hỏi theo quy định hiện hành những trường hợp nào được khai thuế GTGT theo quý?

Trả lời: Căn cứ quy định tại tiết b.1, điểm b, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính:  Đối tượng khai thuế GTGT theo quý được áp dụng đối với người nộp thuế giá trị gia tăng có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 20 tỷ đồng trở xuống.
- Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh  việc khai thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo tháng. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hay theo quý.

Câu hỏi 2: Xin hỏi cách xác định doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ năm trước liền kề làm điều kiện xác định đối tượng khai thuế giá trị gia tăng theo quý như thế nào?

Trả lời: Căn cứ quy định tại tiết b.3, điểm b, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Cách xác định doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ năm trước liền kề làm điều kiện xác định đối tượng khai thuế giá trị gia tăng theo quý như sau:
- Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là Tổng doanh thu trên các Tờ khai thuế giá trị gia tăng của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch (bao gồm cả doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng và doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng).
- Trường hợp người nộp thuế thực hiện khai thuế tại trụ sở chính cho đơn vị trực thuộc thì doanh thu bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị trực thuộc.

Câu hỏi 3: Xin cho hỏi có được tính doanh thu không chịu thuế GTGT vào tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề làm điều kiện xác định đối tượng khai thuế GTGT theo quý không? 

Trả lời:  Căn cứ tiết b.3, điểm 2, điều 11 của Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính thì cách xác định doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ năm trước liền kề làm điều kiện xác định đối tượng khai thuế giá trị gia tăng theo quý là:
- Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là Tổng doanh thu trên các Tờ khai thuế giá trị gia tăng của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch (bao gồm cả doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng và doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng).
- Trường hợp người nộp thuế thực hiện khai thuế tại trụ sở chính cho đơn vị trực thuộc thì doanh thu bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị trực thuộc.

Câu hỏi 4: Chu kỳ ổn định của việc kê khai thuế GTGT theo quý hoặc theo tháng là bao lâu?

Trả lời: Căn cứ tiết b2, điểm b, mục 2, điều 11 của Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính thì: Việc thực hiện khai thuế theo quý hay theo tháng được ổn định trọn năm dương lịch và ổn định theo chu kỳ 3 năm. Riêng chu kỳ ổn định đầu tiên được xác định tính kể từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 31/12/2016.

Câu hỏi 5: Xin hỏi theo quy định hiện hành thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế GTGT theo quý được quy định như thế nào?

Trả lời:
- Căn cứ điểm 3.c, Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính thì: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quý, tạm tính theo quý chậm nhất là ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Câu hỏi 6: Công ty tôi bắt đầu hoạt sản xuất kinh doanh từ tháng 1/2014 thì năm 2014 thực hiện khai thuế GTGT theo quý hay tháng?

Trả lời: Căn cứ quy định tại tiết b.1, điểm b, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính thì từ kỳ khai thuế tháng 1/2014 đến kỳ khai thuế tháng 12/2014, doanh nghiệp thực hiện khai thuế GTGT theo tháng. Căn cứ vào doanh thu của năm 2014 (đủ 12 tháng của năm dương lịch) để Công ty xác định năm 2015 thực hiện khai thuế tháng hay khai quý.

Câu hỏi 7: Doanh nghiệp tôi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 8/2013 thì thực hiện khai thuế GTGT theo tháng hay theo quý?

Trả lời: Căn cứ quy định tại tiết b.1 điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính thì từ kỳ khai thuế tháng 8/2013 đến kỳ khai thuế tháng 12/2014, doanh nghiệp phải thực hiện khai thuế GTGT theo tháng. Sau đó Doanh nghiệp căn cứ vào doanh thu của năm 2014 (đủ 12 tháng của năm dương lịch) để xác định năm 2015 thực hiện khai thuế theo tháng hay theo quý. Doanh nghiệp có trách nhiệm tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo tháng hay kê khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định.

Câu hỏi 8: Doanh nghiệp tôi đủ điều kiện và thuộc diện khai thuế GTGT theo quý nhưng để kiểm soát việc hạch toán kế toán và chứng từ hoá đơn Doanh nghiệp  muốn chuyển sang khai thuế theo tháng thì phải làm thủ tục gì với cơ quan thuế?

Trả lời: Căn cứ quy định tại tiết b.1b,  điểm b, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Nếu Doanh nghiệp đủ điều kiện và thuộc đối tượng khai thuế GTGT theo quý nhưng muốn chuyển sang khai thuế theo tháng thì Doanh nghiệp gửi thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là cùng với thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT của tháng đầu tiên của năm bắt đầu khai thuế GTGT theo tháng.

Câu hỏi 9: Công ty đã xác định doanh thu năm 2012 dưới 20 tỷ đồng thuộc đối tượng khai thuế GTGT theo quý và đã thực hiện khai thuế GTGT theo quý từ quý 3/2013 nhưng cơ quan thuế xuống kiểm tra và kết luận doanh thu của năm 2012 là trên 20 tỷ đồng thì DN có phải chuyển sang khai thuế GTGT theo tháng không?

Trả lời: Căn cứ quy định Căn cứ quy định tại tiết b.1b,  điểm b, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Việc thực hiện khai thuế theo quý hay theo tháng được ổn định trọn năm dương lịch và ổn định theo chu kỳ 3 năm. Riêng chu kỳ ổn định đầu tiên được xác định tính kể từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 31/12/2016.
- Trong chu kỳ khai thuế ổn định theo quý, nếu người nộp thuế tự phát hiện hoặc qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế kết luận doanh thu của năm trước liền kề của chu kỳ khai thuế ổn định này trên 20 tỷ đồng, người nộp thuế không đủ điều kiện để khai thuế giá trị gia tăng theo quý của chu kỳ ổn định đó thì từ năm tiếp theo của năm phát hiện cho đến hết chu kỳ ổn định, người nộp thuế phải thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng.

Câu hỏi 10: Xin hỏi Công ty tôi năm 2012 có tổng doanh thu là 18 tỷ đồng nên thuộc diện khai thuế GTGT theo quý từ ngày 01/7/2013. Doanh thu của năm 2013 do doanh nghiệp kê khai là 25 tỷ đồng thì năm 2014 Công ty thực hiện khai thuế GTGT theo tháng hay quý?

Trả lời: Căn cứ quy định tại tiết b.2,  điểm b, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Công ty thuộc đối tượng khai thuế GTGT theo quý từ 1/7/2013 nhưng doanh thu kê khai của Công ty trong năm 2013 trên 20 tỷ đồng thì vẫn tiếp tục thực hiện khai thuế GTGT theo quý đến hết năm 2016. Từ năm 2017 sẽ xác định lại chu kỳ khai thuế mới dựa trên doanh thu của năm 2016.

Câu hỏi 11: Xin hỏi Công ty tôi năm 2012 có tổng doanh thu là 30 tỷ đồng nên thuộc diện khai thuế GTGT theo tháng từ ngày 01/7/2013. Năm 2013 doanh thu của Công ty kê khai là 18 tỷ đồng thì năm 2014 Công ty thực hiện khai thuế GTGT theo tháng hay quý?

Trả lời: Căn cứ quy định tại tiết b.2,  điểm b, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Tổng doanh thu của Công ty năm 2012 là 30 tỷ đồng nên từ quý 3/2013 Công ty phải thực hiện khai thuế GTGT theo tháng. Năm 2013 tổng Doanh thu Công ty kê khai (kể cả trường hợp khai bổ sung) là 18 tỷ đồng thì Công ty vẫn thực hiện khai thuế GTGT theo tháng đến hết năm 2016. Từ năm 2017 sẽ xác định lại chu kỳ khai thuế tháng hoặc quý dựa trên doanh thu của năm 2016.

Câu hỏi 12: Công ty tôi năm 2012 có tổng doanh thu trên tờ khai thuế GTGT là 17 tỷ đồng nên thuộc diện khai thuế GTGT theo quý từ ngày 01/7/2013. Năm 2014, cơ quan thuế kiểm tra kết luận doanh thu tính thuế GTGT của năm 2012 tăng thêm 6 tỷ so với số liệu kê khai nên có tổng doanh thu năm 2012 là 23 tỷ, từ năm 2015 Công ty thực hiện khai thuế GTGT theo tháng hay quý?

Trả lời: Căn cứ quy định tại tiết b.2,  điểm b, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Năm 2012 Công ty có tổng doanh thu trên tờ khai thuế GTGT là 17 tỷ đồng nên thuộc diện khai thuế GTGT theo quý từ ngày 01/7/2013. Năm 2014, cơ quan thuế kiểm tra kết luận doanh thu tính thuế GTGT của năm 2012 tăng thêm 6 tỷ so với số liệu kê khai nên tông doanh thu của Công ty là 23 tỷ, thì từ năm 2015 đến hết năm 2016 Công ty thực hiện khai thuế GTGT theo tháng. Từ năm 2017 sẽ xác định lại chu kỳ khai thuế mới dựa trên doanh thu của năm 2016.

Câu hỏi 13: Doanh nghiệp thuộc diện khai thuế GTGT theo quý từ ngày 01/7/2013 do doanh thu năm 2012 là 15 tỷ đồng. Năm 2014, Doanh nghiệp tự phát hiện và khai bổ sung doanh thu tính thuế GTGT của năm 2012 tăng thêm 7 tỷ đồng so với số liệu kê khai nên tổng doanh thu năm 2012 DN đạt 22 tỷ đồng. Xin hỏi từ năm 2015 Doanh nghiệp thực hiện khai thuế GTGT theo tháng hay quý?

Trả lời: Căn cứ quy định tại tiết b.2,  điểm b, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Doanh nghiệp thuộc diện khai thuế GTGT theo quý từ ngày 01/7/2013. Năm 2014, Doanh nghiệp tự khai bổ sung doanh thu tính thuế GTGT của năm 2012 tăng thêm 7 tỷ so với số liệu kê khai làm tổng doanh thu năm 2012 là 22 tỷ đồng, thì từ năm 2015 đến hết năm 2016 doanh nghiệp thực hiện khai thuế GTGT theo tháng. Từ năm 2017 sẽ xác định lại chu kỳ khai thuế mới dựa trên doanh thu của năm 2016.

Câu hỏi 14: Xin hỏi hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tháng, quý áp dụng phương pháp khấu trừ thuế gồm những gì?

Trả lời: Căn cứ quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Hồ sơ khai thuế GTGT tháng, quý áp dụng phương pháp khấu trừ thuế gồm:
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 01/GTGT;
- Bảng kê hoá đơn hàng hoá dịch vụ bán ra theo mẫu số 01-1/GTGT;
- Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-2/GTGT;
- Bảng kê hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thuế suất 0% theo mẫu số 01-3/GTGT (nếu có hàng hóa dịch vụ xuất khẩu)
- Bảng phân bổ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào được khấu trừ trong tháng, quý theo mẫu số 01-4A/GTGT (áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế phân bổ số thuế GTGT được khấu trừ trong tháng, quý theo tỷ lệ (%) doanh thu hàng hoá dịch vụ bán ra chịu thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh thu hàng hoá dịch vụ bán ra của tháng, quý).
- Bảng kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào phân bổ được khấu trừ năm theo mẫu số 01-4B/GTGT (áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế tính phân bổ lại số thuế GTGT được khấu trừ trong năm theo tỷ lệ (%) doanh thu hàng hoá dịch vụ bán ra chịu thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh thu hàng hoá dịch vụ bán ra của năm). Số liệu điều chỉnh tăng, giảm thuế GTGT đầu vào phân bổ được khấu trừ được tổng hợp vào Tờ khai thuế GTGT tháng 12 hoặc của quý 4 của năm.
- Bảng kê số thuế GTGT đã nộp của doanh thu kinh doanh XD, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh theo mẫu số 01-5/GTGT (nếu có hoạt động xây dựng ngoại tỉnh)
- Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán (nếu có đơn vị trực thuộc) theo mẫu số 01-6/GTGT
- Bảng kê số lượng xe ô tô, xe hai bánh gắn máy bán ra theo mẫu số 01-7/GTGT (áp dụng đối với cơ sở kinh doanh xe ô tô, xe hai bánh gắn máy).

Câu hỏi 15: Công ty tôi thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư tại địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đang trong giai đoạn đầu tư thì lập hồ sơ khai thuế GTGT như thế nào?

Trả lời: Căn cứ quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính:
- Nếu Công ty có dự án đầu tư tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng nơi đóng trụ sở chính thì lập hồ sơ khai thuế riêng cho dự án đầu tư và phải bù trừ số GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho dự án đầu tư với thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện. Sau khi bù trừ nếu có số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào sử dụng cho dự án đầu tư mà chưa được bù trừ hết theo mức quy định của pháp luật về thuế GTGT thì được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư.
- Nếu Công ty có dự án đầu tư tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính, đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế, thì lập hồ sơ khai thuế riêng cho dự án đầu tư và nộp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp nơi đóng trụ sở chính. Nếu số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào sử dụng cho dự án đầu tư theo mức quy định của pháp luật về thuế GTGT thì được hoàn thuế giá trị gia tăng cho dự án đầu tư.

Câu hỏi 16: Doanh nghiệp tôi có trụ sở tại Hà Nội, năm 2014 có dự án xây dựng nhà máy thép ở Hải Dương (dự án gồm 3 tổ hợp), dự án đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế, doanh nghiệp phải lập hồ sơ khai thuế GTGT như thế nào?

Trả lời: Căn cứ quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Doanh nghiệp lập hồ sơ khai thuế riêng cho dự án đầu tư và nộp tại cơ quan thuế Hà Nội - nơi đóng trụ sở chính, và thực hiện hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư tại Hà Nội. Khi Nhà máy thép Hải Dương đã đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế có tổ hợp thứ nhất đi vào hoạt động và có doanh thu đầu ra thì nhà máy thực hiện kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ tại Hải Dương. Đối với tổ hợp thứ hai và tổ hợp thứ ba vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục xây dựng thì Nhà máy thực hiện kê khai thuế GTGT riêng cho dự án đầu tư, bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của Nhà máy và đề nghị hoàn thuế GTGT tại Hải Dương.

Câu hỏi 17: Xin hỏi Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng của dự án đầu tư gồm giấy tờ gì?

Trả lời: Căn cứ quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Hồ sơ khai thuế GTGT của dự án đầu tư gồm:
- Tờ khai thuế GTGT dành cho dự án đầu tư theo mẫu số 02/GTGT ;
- Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-2/GTGT.
- Trường hợp người nộp thuế có dự án đầu tư và phải thực hiện bù trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho dự án đầu tư với thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện thì việc kê khai thuế GTGT của dự án đầu tư theo tháng hay quý được thực hiện cùng với việc kê khai thuế GTGT của trụ sở chính.

Câu hỏi 18: Xin hỏi DN tôi có hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản ngoại tỉnh không có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương đó thì khai thuế GTGT đối với hoạt động này như thế nào? Hồ sơ khai thuế như thế nào?

Trả lời: Căn cứ khoản 6 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: DN kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh thì khai thuế GTGT tạm tính theo tỷ lệ 2% đối với hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% hoặc theo tỷ lệ 1% đối với hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% trên doanh thu hàng hoá, dịch vụ chưa có thuế giá trị gia tăng với cơ quan Thuế quản lý địa phương nơi kinh doanh, bán hàng.
- Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh là Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 05/GTGT. Hồ sơ khai thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh được nộp theo từng lần phát sinh doanh thu. Trường hợp phát sinh nhiều lần nộp hồ sơ khai thuế trong một tháng thì người nộp thuế có thể đăng ký với Cơ quan thuế nơi nộp hồ sơ khai thuế để nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng.

Câu hỏi 19: Công ty tôi có trụ sở tại Hà Nội, ký hợp đồng với Doanh nghiệp A để thực hiện tư vấn, khảo sát, thiết kế công trình được xây dựng tại Nghệ An thì có phải kê khai thuế vãng lai ngoại tỉnh không? .

Trả lời: Căn cứ điểm đ, khoản 1 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Công ty có trụ sở tại Hà Nội, ký hợp đồng với Công ty A thực hiện tư vấn, khảo sát, thiết kế công trình được xây dựng tại Nghệ An thì hoạt động này không phải hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh. Công ty thực hiện khai thuế GTGT đối với hợp đồng này tại trụ sở chính tại Hà Nội, không phải thực hiện kê khai tại Nghệ An.
- Nếu Công ty ký hợp đồng với Công ty A để thực hiện công trình xây dựng tại Nghệ An  trong đó có bao gồm cả hoạt động  khảo sát, thiết kế thì Công ty phải thực hiện khai thuế GTGT xây dựng vãng lai đối với hợp đồng này tại Nghệ An.

Câu hỏi 20: Công ty tôi có trụ sở tại Hà Nội mua một số căn hộ thuộc 1 dự án của Công ty B tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó Công ty tôi bán lại các căn hộ này và thực hiện xuất hóa đơn cho khách hàng, xin hỏi Công ty tôi có phải thực hiện kê khai, nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh với Cục Thuế TP HCM không?

Trả lời: Căn cứ điểm đ, khoản 1, Điều 11 Thông tư Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Nếu Công ty có trụ sở tại Hà Nội mua các căn hộ thuộc 1 dự án của Công ty B tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó Công ty bán lại các căn hộ này và thực hiện xuất hóa đơn cho khách hàng thì Công ty phải thực hiện kê khai, nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh theo tỷ lệ % doanh thu với cơ quan thuế tại thành phố Hồ Chí Minh.

Câu hỏi 21: Năm 2014 Công ty tôi thuộc đối tượng được tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT xin hỏi Công ty tôi thì phải làm thủ tục gì với cơ quan thuế để được nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ?

Trả lời: Căn cứ khoản 7 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Trường hợp người nộp thuế từ 01/01/2014 thuộc đối tượng được tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT thì gửi văn bản thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc áp dụng phương pháp tính thuế GTGT theo mẫu số 06/GTGT Thông tư số 156 nêu trên. Doanh nghiệp phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 20 tháng 12 của năm trước liền kề năm người nộp thuế thực hiện phương pháp tính thuế mới hoặc năm người nộp thuế tự nguyện áp dụng theo phương pháp khấu trừ.

Câu hỏi 22: Xin hỏi Công ty tôi muốn xin tạm dừng kinh doanh 1 thời gian không phát sinh doanh thu thì có phải nộp hồ sơ khai thuế không và phải làm thủ tục gì với cơ quan thuế?

Trả lời: Căn cứ quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính: Người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh và không phát sinh nghĩa vụ thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế của thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế nghỉ kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm.
- Trước khi tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất mười lăm ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Nội dung thông báo gồm:
- Tên, địa chỉ trụ sở, mã số thuế;
- Thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng;
- Lý do tạm ngừng kinh doanh;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đại diện của nhóm cá nhân kinh doanh, của chủ hộ kinh doanh.
- Hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải thực hiện kê khai thuế theo quy định. Trường hợp người nộp thuế ra kinh doanh trước thời hạn theo thông báo tạm ngừng kinh doanh thì phải có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp đồng thời thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo quy định.

Câu hỏi 23: Xin hỏi Công ty phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì phải khai với cơ quan thuế như thế nào?

Trả lời: Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính: Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế.
- Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; nếu cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh như sau:
- Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót nhưng không liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.
- Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ đã kiểm tra, thanh tra nhưng không thuộc phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.
- Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra dẫn đến phát sinh tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế đã được hoàn, giảm số thuế được khấu trừ, giảm số thuế đã nộp thừa thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và bị xử lý theo quy định như đối với trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện.
Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế liên quan đến tăng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ thì người nộp thuế thực hiện khai điều chỉnh vào hồ sơ khai thuế  của kỳ tính thuế nhận được kết luận, quyết định xử lý về thuế theo kết luận, quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền (người nộp thuế không phải lập hồ sơ khai bổ sung).
Nguồn: Khai thuế GTGT

1 nhận xét:

  1. Chuyên nhận làm dịch vụ kế toán và đào tạo kế toán trên cả nước

    Trả lờiXóa