Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Câu hỏi và Trả lời: Khai thuế theo phương pháp khoán

Những câu hỏi và trả lời xoay quanh việc Kê khai thuế theo phương pháp khoán

Câu hỏi 1: Xin hỏi theo quy định hiện hành thì đối tượng nào phải nộp thuế kê khai theo phương pháp khoán?

Trả lời: Căn cứ khoản 1 Điều 21 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính: Đối tượng nộp thuế khoán là cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên bao gồm:
- Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không đăng ký kinh doanh hoặc thuộc đối tượng không phải đăng ký kinh doanh không đăng ký thuế và không thực hiện đăng ký thuế theo thời hạn đôn đốc đăng ký thuế của cơ quan thuế.
- Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ.
- Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không thực hiện đúng chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ dẫn đến không xác định được số thuế phải nộp phù hợp với thực tế kinh doanh.
- Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh khai thác tài nguyên thủ công, phân tán, lưu động, không thường xuyên.

Câu hỏi 2: Nộp thuế kê khai theo phương pháp khoán áp dụng cho những loại thuế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính: Loại thuế áp dụng theo phương pháp khoán gồm:
1. Thuế giá trị gia tăng.
2. Thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với nhóm, cá nhân kinh doanh hàng hoá dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt)
3. Thuế thu nhập cá nhân.
4. Thuế tài nguyên (đối với nhóm cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên)     
5. Phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (đối với nhóm cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên)

Câu hỏi 3: Hồ sơ khai thuế theo phương pháp khoán gồm những giấy tờ gì?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính: Hồ sơ khai thuế khoán gồm:
- Tờ khai mẫu số 01/THKH - Thông tư 156/2013/TT-BTC.
- Trường hợp Hộ nộp thuế khoán đăng ký giảm trừ gia cảnh nộp Phụ lục chi tiết giảm trừ gia cảnh mẫu số 01-1/THKH - Thông tư 156/2013/TT-BTC
- Trường hợp Hộ nộp thuế khoán đăng ký giảm trừ gia cảnh nộp Phụ lục chi tiết giảm trừ gia cảnh mẫu số 01-1/THKH - Thông tư 156/2013/TT-BTC.
- Trường hợp Hộ nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn quyển thì hàng quý nộp Bảng kê hàng hóa dịch vụ bán ra mẫu 03/THKH - Thông tư 156/2013/TT-BTC.
- Đối với Hộ nộp thuế khoán sử dụng hoá đơn bán lẻ theo từng số khai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh đối với doanh thu trên hoá đơn mẫu số 01A/KK-HĐ - Thông tư 156/2013/TT-BTC.

Câu hỏi 4: Hộ nộp thuế khoán nộp hồ sơ khai thuế khoán theo tháng, quý hay năm? Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính: Hộ nộp thuế khoán nộp hồ sơ khai thuế khoán theo năm (một năm khai một lần).
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là ngày 15/12 của năm trước.
- Trường hợp Hộ nộp thuế khoán mới ra kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên, khoáng sản thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 (mười) ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên, khoáng sản.
- Trường hợp Hộ nộp thuế khoán thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh hoặc quy mô, sản lượng khai thác tài nguyên, khoáng sản thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 (mười) ngày kể từ ngày có thay đổi.
- Đối với trường hợp Hộ nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn quyển thì thời hạn nộp Bảng kê hàng hóa dịch vụ bán ra chậm nhất là ngày 15 của tháng đầu quý sau.
- Đối với Hộ nộp thuế khoán sử dụng hoá đơn bán lẻ theo từng số thì thời điểm khai thuế là thời điểm đề nghị được sử dụng hoá đơn tại cơ quan thuế.

Câu hỏi 5: Trường hợp hộ nộp thuế khoán tạm ngừng, nghỉ kinh doanh, số thuế khoán được xác định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 11 Điều 21 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính: Hộ nộp thuế khoán tạm ngừng, nghỉ kinh doanh phải lập và gửi Thông báo tạm ngừng, nghỉ kinh doanh và đề nghị miễn giảm thuế theo mẫu 01/MGTH Thông tư số 156 đến cơ quan thuế trong khoảng thời gian 15 (mười lăm) ngày trước khi tạm ngừng, nghỉ kinh doanh. Số thuế Hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm do tạm ngừng, nghỉ kinh doanh được xác định như sau:
 
Hộ nộp thuế khoán nghỉ liên tục từ trọn 01 (một) tháng (từ ngày mùng 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng đó) trở lên được giảm 1/3 số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp của quý; tương tự nếu nghỉ liên tục trọn 02 (hai) tháng trở lên được giảm 2/3 số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp của quý, nếu nghỉ trọn quý được giảm toàn bộ số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp của  quý. Nếu Hộ nộp thuế khoán tạm ngừng, nghỉ kinh doanh không trọn tháng thì không được giảm thuế khoán phải nộp của tháng.
- Trường hợp trong thời gian nghỉ kinh doanh, Hộ nộp thuế khoán vẫn kinh doanh thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo thông báo của cơ quan thuế.

Câu hỏi 6: Số thuế khoán của Hộ nộp thuế khoán được xác định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 6 Điều 21 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính: Số thuế khoán của hộ nộp thuế khoán được xác định như sau:
- Căn cứ vào tài liệu khai thuế của Hộ nộp thuế khoán về doanh thu, thu nhập, sản lượng, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, kết quả điều tra doanh thu thực tế, cơ quan thuế xác định doanh thu và mức thuế khoán dự kiến của Hộ nộp thuế khoán để niêm yết công khai, đồng thời tham vấn ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường.
- Đối với Hộ nộp thuế khoán hoạt động theo hình thức nhóm cá nhân kinh doanh, cơ quan thuế căn cứ thu nhập chịu thuế ấn định của nhóm, tỷ lệ phân chia thu nhập và khai thuế giảm trừ gia cảnh của từng thành viên để tính và thông báo số thuế khoán phải nộp cả năm và số thuế tạm nộp theo từng quý của từng thành viên trong nhóm.
- Số thuế khoán được xác định cho từng quý và ổn định trong một năm. Trường hợp Hộ nộp thuế khoán có thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh hoặc quy mô, sản lượng khai thác tài nguyên, khoáng sản thì cơ quan thuế điều chỉnh lại số thuế khoán và ổn định trong thời gian còn lại của năm tính thuế.

Câu hỏi 7: Xin hỏi thời hạn nộp khai thuế theo phương pháp khoán được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 9b Điều 21 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính: Thời hạn nộp thuế khoán được quy định như sau:
- Căn cứ Thông báo nộp thuế, Hộ nộp thuế khoán nộp tiền thuế của quý chậm nhất là ngày cuối cùng của quý.
- Đối với Hộ nộp thuế khoán sử dụng hoá đơn quyển thì thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng bổ sung chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
- Đối với Hộ nộp thuế khoán sử dụng hoá đơn bán lẻ theo từng số thì thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu trên hoá đơn là thời điểm khai thuế theo từng lần phát sinh.

1 nhận xét:

  1. Chuyên nhận làm dịch vụ kế toán và đào tạo kế toán trên cả nước

    Trả lờiXóa